Khuyến cáo những ai theo tư tưởng blog là nhật ký cá nhân không nên đọc bài này. Tôi viết bài dưới đây để chia sẻ một ít thông tin thu thập được với những người theo xu hướng "công cộng hóa" blog.
Quan hệ Blog
Trước tiên nói về vấn đề này, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh khái niệm PRO (chuyên nghiệp). Theo ý kiến của Andre, nếu bạn muốn blog của bạn theo con đường chuyên nghiệp hóa thì bạn phải xác định hướng đi cho blog của bạn là: Nó sẽ không còn riêng tư nữa mà sẽ theo hướng cộng đồng hóa từ mặt nội dung tới hình thức. Nó sẽ ngốn của bạn khá lớn thời gian (bạn có thể thấy các bloggers chuyên nghiệp đa phần họ đều dành rất nhiều thời gian cho blog của họ), những bài viết của bạn chủ yếu tập chung phục vụ độc giả cộng đồng.
Để cuốn hút mọi người đến blog của bạn là cả một vấn đề, lúc này những kỹ năng ngoại giao "cơ bản" rất cần thiết. Nó sẽ giúp bạn liên kết tới một bộ phận blogger, tiềm năng họ sẽ là khách thường xuyên của blog bạn. Vì vậy điều quan trọng nhất trong con đường chuyên nghiệp hóa là các mối quan hệ blog. Đây cũng là vấn đề rất nan giải và khó thực hiện với khá nhiều bloggers.
Vấn đề thứ nhất: Tạo dựng các mối quan hệ cũng không hề đơn giản, chúng ta không thể làm quen rồi add các blogger qua mấy câu chào hỏi vu vơ ngoài quick comment mà bạn phải tập cho mình thói quen theo dõi, đọc nội dung các blog của họ và comment một cách chân thành, cứ vài lần như vậy thôi họ sẽ cảm nhận được sự quan tâm của bạn đối với họ. Đến đây thì kết bạn không còn là vấn đề nữa.
Vấn đề thứ hai: Bạn đã trở thành blog "nổi tiếng" thì quan hệ blog lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Lúc này blog của bạn nhận được sự quan tâm của rất nhiều người: yêu mến cũng có, ghen ghét cũng có. Chỉ cần sơ ý một chút, bạn sẽ là miếng mồi cho những người ghen ghét bạn đả kích, lúc này sự nhã nhặn, bình tĩnh và khéo léo luôn luôn là sự lựa chọn số một không thì blog của bạn sẽ mất đi hình tượng đẹp trong mắt những người yêu mến blog của bạn. Và tất nhiên những kẻ ghen ghét bạn lúc này sẽ tha hồ có dịp mà hả hê.
Vấn đề thứ ba: Thể hiện sự quan tâm đến với những khách ruột trong blog của bạn. Nếu bạn có thời gian thì cũng nên theo dõi blog của họ thường xuyên, ngoài ra trả lời từng quick comment cũng là các gắn chặt mối quan hệ không thì bạn sẽ bị mang tiếng là "kiêu", hay "chảnh". Ngoài ra những lời chúc hàng ngày đôi khi nhiều quá thành nhàm tại nhưng như thế còn hơn là không. Tôi thường xuyên đi hết friendlist của mình để chúc như vậy, nó thể hiện sự quan tâm đồng đều chứ không đơn thuần là spam như nhiều người nghĩ. Lấy một ví dụ điển hình trong việc giữ vững mối quan hệ và thể hiện sự quan tâm là MOCHINO, MO làm rất tốt công đoạn này. Rất nhiều blogger cảm nhận về MO là một người chân thành và nhiệt tình. Đó là một cách hay để lấy lòng khéo và hiệu quả.
Vấn đề thứ tư: Tránh gây mâu thuẫn hay comment móc mỉa các blog khác, có thể bạn không bằng lòng với bài viết của chủ nhân thì nên nói thẳng khéo đừng bao giờ nói kiểu bóng gió và móc mỉa rất dễ gây hiểu nhầm và động chạm tự ái đến chủ blog, đó là điều mà bạn nên tránh. Họ tốn công viết entry thì ít ra cũng nên động viên không nên comment kiểu phản bác thái quá (trừ các entry mang tính chất tranh luận tập thể).
Thương hiệu blog
Mượn tạm từ "thương hiệu" ở đây, nó thể hiện tên tuổi cũng như vị thế nhất định của một blogger chuyên nghiệp trong cộng đồng blogger. Có rất nhiều cách để bạn tạo dựng thương hiệu blog riêng cho mình nhưng đều có một điểm chung là chất lượng về mặt nội dung cũng như hình thức theo hướng public hóa.
Lấy ví dụ điển hình là Cường OZ’blog, COZ đã tao dựng thương hiệu blog từ một loạt phóng dự về đề tài nóng của xã hội bằng giọng văn chuyên nghiệp mang phong châm biếm pha tính hài hước, đề tài nóng này lôi cuốn cũng như gây hiếu kỳ cho nhiều bloggers bởi vì nó là một thực tế về một bộ phận lớp trẻ trong xã hội. DEMENTOR xây dựng thương hiệu blog cho mình bằng những entries tâm sự, cảm xúc chân thật cộng với cộng với cách thể hiện mang tính logic và chặt chẽ.
Mochino thì theo đề tài viết về Hà Nội và về tình yêu bằng những tình cảm rất thật và chân thành, đề tài này hiện thu hút được nhiều bạn đọc nhất là cac blogger nữ. SRO và ANTONIBLUE tạo dựng chỗ đứng bằng những thông tin chia sẻ hữu ích về thiết kế theme cũng như tạo cáo hiệu ứng cho blog. Đây là một đề tài khá sát thực vì theme là một trong những yếu tố quan trọng của blog, nó là bộ mặt riêng cho ngôi nhà của bạn .Các hiệu ứng blog thể hiện sự chuyên nghiệp trong khâu áp dụng "công nghệ kỹ thuật" vào các bài viết, minh họa rõ ràng làm nổi bật đưa blog của bạn lên một "tầm cao" mới .
ANH CHỦ QUÁN cũng có một thương hiệu rất nổi qua cái quán nước online chuyên "kinh doanh" các mặt loại mặt hàng liên quan liên quan đến thông tin miễn phí. Đối với những blogger này họ có rất nhiều ý tưởng post bài, có người post hai, ba ý tưởng mới cho một ngày ví dụ điển hình la blog cua Angel.
Một cách tạo dựng thương hiệu độc đáo và khá hiệu quả nữa là dùng chính cái "sắc" có sẵn của bạn từ "tạo hóa", cách này sử dụng đa phần với các em gái xinh đẹp. Những avatar đẹp "chết người", những bức hình "siêu dễ thương" qua tay nghề chụp hình điêu luyện luôn luôn lôi cuốn được sự chú ý của mọi người đặc biệt là đối với các blogger nam. Có thể thấy rõ rằng ở các blog bóng hồng xinh tươi luôn đông vui nhộn nhịp với nhũng lời bắt chuyện làm quen, những lời bay bổng trên trời, thậm chí rất nhiều lời "tán hươu, tán vượn". Thế mới biết thương hiệu blog đa dạng thế nào, ngoài ra còn rất nhiều các thương hiệu khác Andre ko thể đề cập hết trong bài viết này, có lẽ nó là một cái list khá dài.
Công nghệ lăng xê
Vấn đề này xem ra rất nhiều blogger quan tâm: Làm thế nào để blog mình thu hút được người xem? Làm thế nào để quảng bá blog mình đến với mọi người?
Cách 1: Để trả lời cho các câu hỏi này chúng ta một lần nữa quay trở lại mối quan hệ blog như đã đề cập ở trên, bạn có quan hệ càng rộng thì cơ hội quảng bá blog bạn càng cao. Bạn quen với một số blog nổi tiếng bạn có thể nhờ họ có một vài entry về blog của bạn nhằm mục đích giới thiệu đến với cộng đồng blogger, cách này hết sức hiệu quả vì họ lăng xê bạn rất nhanh qua lượng khách đọc của blog họ.
Cách 2: Các bạn có thể trao đổi banner, feed blog nhau hoặc đặt link ở blog roll, tuy hiệu quả không thực sự cao lắm nhưng phần nào gây được sự chú ý của người đọc.
Cách 3: Ngoài ra bạn có thể tự lăng xê bản thân mình bằng nhiều entries chất lượng (tránh bài viết gây scandal có thể gây phản cảm) thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Sau đó, bạn có thể đi spam quảng cáo hoặc gửi message, có thể nó gây phiền toái cho nhiều người nhưng cũng có nhiều blogger tò mò tìm đến và đọc blog của bạn, nếu thích họ sẽ giới thiệu cho các bạn khác đến cùng đọc (theo hiệu ứng lan truyền).
Cách 4: Là hoạt động liên minh giữa các blog đã có tiếng, đối với những blog này họ thỉnh thoảng có entry viết về nhau như một cách tăng sức hút quảng cáo, gián tiếp trao đổi và tăng lượng khách ruột cho nhau.
Cách 5: Là hoạt động có tổ chức riêng gồm nhiều thành viên với nhiều hoạt động đa dạng phong phú có sức ảnh hưởng đến xu thế chung của cộng đồng. Nếu hoạt động nghiêm túc thì kiểu liên kết này sẽ rất hiệu quả vì tầm ảnh hưởng sâu rộng của nó qua các friends của chính các members, cũng là cơ hội dễ dàng hơn để lăng xê các thành viên dưới các phương thức tổ chức hoạt động có phong trào, kế hoạch cụ thể. Lấy ví dụ điển hình là nhóm BR (cái này cũng gọi là chiêu tớ tự lăng xê cho nhóm). Ngoài các hình thức câu khách hay PR bằng những con đường chính thống "chấp nhận được" thì bên cạnh đó xuất hiện khá nhiều các mánh khóe tiểu xảo để câu khách, xem ra ai cũng có một khái niệm riêng nên Andre không đề cập ở đây.
Văn hóa và bản quyền Blog
Một blogger chuyên nghiệp là một người có văn hóa giao tiếp cũng nhu ngôn ngữ viết hợp lý, không có những entry tiêu cực, thái quá, thiển cận không nhìn nhận vấn đề dưới con mắt quá chủ quan. Vì khi chuyên nghiệp hóa, bạn đã là người của công chúng, bạn có quyền nói lên suy nghĩ của bạn nhưng không nên áp đặt nó theo chủ nghĩa bản thân. Nên khéo léo và điềm đạm trước những dèm pha có chủ ý của những blogger ganh tị theo kiểu vô văn hóa.
Điểm tiếp theo là vấn đề bản quyền. Đối với những bài viết sưu tầm ở nơi khác thì bạn nên ghi rõ nguồn gốc và tác giả để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc, nếu không thương hiệu bao nhiêu lâu bạn gây dựng sẽ tan thành mây khói. Bản quyền là một vấn đề rất nhạy cảm, nó là sản phẩm tinh thần của người làm ra nó. Hãy học cách tôn trọng nó, cũng là cách bạn tôn trọng chính mình.
Nếu bạn thực hiện được những quan điểm nêu trên thì bạn có thể trở thành một blogger chuyên nghiệp, còn để đạt được trình độ đẳng cấp hẳn thì bạn phải biết dung hòa giữa cuộc sống thật và cuộc sống ảo. Điều này thì không phải ai cũng thực hiện được.
Có thể có nhiều bạn không đồng ý với bài viết này âu cũng là điều dễ hiểu vì mỗi người một quan điểm. Tôi viết ra chỉ để chia sẻ ý kiến với các bạn, tôi cá là nhân dịp này sẽ có kẻ lấy bài này để đả kích châm biếm.